Tổn thất và nguyên nhân Trận_Di_Lăng

Không rõ thương vong của quân Ngô. Quân Thục đại bại, tổng số quân bị giết tại Di Lăng – Khiếu Đình có vài vạn người[1], xác chết xuôi theo dòng sông Trường Giang trôi xuống làm tắc cả dòng sông[19]. Chiến thuyền, khí giới, xe cộ quân nhu bên Thục Hán bị mất gần hết[20][21].

Chỉ trừ cánh quân của Nha môn tướng Hướng Sủng, trong lúc hoảng loạn vẫn duy trì được kỷ luật, không bị tổn thất một người nào, cuối cùng rút lui an toàn về thành Bạch Đế, cùng với Triệu Vân trở thành lực lượng bảo vệ cho Chiêu Liệt đế Lưu Bị.

Gần như toàn bộ các tướng chỉ huy chiến dịch Di Lăng của Thục Hán bị xóa sổ: Mã Lương tử trận ở Ngũ Khê, Trương Nam, Phùng Tập, Phó Đồng đều tử trận khi bảo vệ Lưu Bị chạy khỏi vòng vây, Man vương Ma Sa Kha cũng tử trận, Trình Kỳ tự sát, Hoàng Quyền chạy sang hàng Ngụy. Chỉ còn lại Ngô Ban, Hướng Sủng trở về, còn tướng cánh quân dự bị Triệu Vân chưa tham chiến.

Lưu Bị thất bại vì sai lầm trầm trọng về chiến thuật. Trước hết, ông quá nôn nóng muốn đánh bại Đông Ngô, tiến thẳng tới diệt Tôn Quyền, nên ra quân gấp gáp; ngược lại phía Đông Ngô, Lục Tốn lại rất trầm tĩnh và tỉnh táo xét đoán tình hình[22].

Như Lục Tốn từng nói khi viết thư cho Tôn Quyền, nếu Lưu Bị tận dụng thế mạnh, cho quân thủy bộ cùng tiến thì quân Ngô rất nguy khốn, nhưng vua Thục Hán lại dồn hết quân thủy lên bờ, lập liên trại. Hơn nữa, khi đóng quân chọn rừng rậm nhiều cây để có bóng mát cũng là sai lầm, tạo điều kiện cho kẻ địch đánh hỏa công; vật liệu dựng trại không dùng đất đá mà lại lấy cành cây làm vật liệu nên khi quân Ngô nổi lửa, trại Thục nhanh chóng bị thiêu. Ngoài ra, Lưu Bị còn một sai lầm nữa khi quyết định đổ bộ lập trại, là dàn 4 vạn quân trải suốt 700 dặm, phạm vào điều đại kỵ về phân tán binh lực của nhà binh[1].

Chiến thuật mà Lục Tốn áp dụng trong chiến dịch Khiếu Đình được các sử gia đánh giá giống với Tào Quệ nước Lỗ thời Xuân Thu đánh bại Tề Hoàn công: mặc cho quân địch xung trận lần đầu không xuất kích vì khí thế địch đang hăng, bỏ qua quân địch xung trận lần thứ hai không ứng chiến khi nhuệ khí địch bắt đầu giảm, đến lần 3 khi quân địch xung phong, nhuệ khí đã cạn kiệt thì quân mình mới ra trận ứng chiến là đánh chắc thắng[23]. Lục Tốn tuy đông quân hơn nhưng vẫn trầm tĩnh và lạnh lùng ứng phó trước sự nôn nóng của Lưu Bị, để cho Lưu Bị chiếm mấy trăm dặm đất với những điểm cao, nhưng cuối cùng bất ngờ phản công giành được toàn thắng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Lưu Bị thất bại còn có nguyên nhân vì quá coi thường Lục Tốn là người ít kinh nghiệm chiến trường[20].